Lưu Trọng Cao Nguyên và Võ Tá Hân nói về thơ và phổ nhạc
Văn Lan/Người Việt (June 11, 2017)
WESTMINSTER, California (NV) – “Thơ phổ nhạc Lưu Trọng Cao Nguyên và nhạc sĩ Võ Tá Hân” là chủ đề buổi tọa đàm do CLB Âm Nhạc Viện Việt Học tổ chức, lúc 7 giờ 30 Thứ Bảy, 10 Tháng Sáu, tại Viện Việt Học, Westminster.
Với sự góp mặt của nhà thơ Lưu Trọng Cao Nguyên (Cao Nguyên), nhạc sĩ Võ Tá Hân, buổi tọa đàm mang lại một phong cách mới trong việc trình bày cách phổ nhạc một bài thơ, và phần trình diễn văn nghệ của các nghệ sĩ Lâm Dung, Hồng Tước, Bích Thuận, Ngọc Quỳnh, Trần Thạch.
Sự giao hòa giữa thơ, nhạc, sự trình diễn, những lời tâm tình giữa người nghệ sĩ và công chúng, đã hoàn toàn chinh phục người thưởng thức, với những ca từ, tâm tình của người nghệ sĩ và người nghe, trong không gian ấm cúng thân thương của Viện Việt Học.
Trong phần đầu chương trình, mọi người cùng lắng lòng tưởng niệm nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh, là cô ruột của nhạc sĩ Võ Tá Hân, vừa mới qua đời tại California.
Theo một cách mới, hành trình từ một bài thơ đến một tác phẩm âm nhạc, bay bổng vào lòng người thưởng thức, qua thế giới của thơ và nhạc, được nhạc sĩ Võ Tá Hân trình bày, với nét chấm phá duyên dáng, đôi lúc gây những tràng cười thoải mái.
Để mở đầu chương trình, nhà thơ Cao Nguyên nói về bài thơ “Mưa,” qua tài phổ nhạc của nhạc sĩ Võ Tá Hân. Anh cho biết thơ mình viết ra, lại được phổ nhạc và công chúng thuởng thức, đó là điều đáng mừng. Thi sĩ Lưu Trọng Cao Nguyên, cũng là một bác sĩ, cho biết đây là lần đầu tiên tham dự đêm nhạc phổ thơ của anh tại Viện Việt Học.
“Mưa” là tập thơ đầu tay, Cao Nguyên viết vào Tháng Ba, 1987 đến 1990, gồm khoảng 50 bài, gồm các bài thơ lục bát, thơ năm chữ, bảy chữ khi anh đang học y khoa tại Canada, từ nguồn cảm hứng khi đọc 4 câu trong bài thơ “Một Mùa Đông” do thi sĩ Lưu Trọng Lư, là ông chú ruột, sáng tác năm 1939: “Ai bảo em là giai nhân, cho đời anh đau khổ. Ai bảo em ngồi bên cửa sổ, cho vương víu mộng thi nhân.”
Mặc dù tự thú mình chỉ là người yêu thơ, nhưng nguồn cảm hứng ấy không ngoại lệ khi thừa kế hơi thở thi ca từ ông chú, rồi đến cha của mình, tiếp nối trên con đường của thi nhân.
“Mưa,” và hành trình của bài thơ, được nhạc sĩ Võ Tá Hân trình bày khi phổ nhạc. Ông cho biết những yếu tố “thành công” cho một bài nhạc phổ thơ gồm: lời ca, ca sĩ, nhạc nền, và hình ảnh.
Khi viết nhạc, có ba yếu tố quan trọng cho việc phổ nhạc từ một bài thơ gồm: móc, là sự liên kết giữa câu 1 và câu 5 trong bài thơ và nhạc, nhờ đó nó ăn sâu vào lòng người; cân đối; và biến đổi. Hơn nữa, khi nghe nhạc Việt phải là hồn Việt, với cả ba miền Nam, Trung, Bắc, trong đó, phải giữ cấu trúc; tiết điệu (cách ngắt câu); âm vận (trắc, bằng, không dấu); dòng nhạc (hợp với âm vận); chuyển động hòa âm (giữ cùng hòa âm, tương ứng, hoặc song song).
Nhạc sĩ Võ Tá Hân cho biết, đôi khi phải “bẻ răng,” tức là sửa chữa lại, sắp đặt lại câu chữ theo luật bằng trắc trong ca từ, bài nhạc sẽ hợp với âm luật hơn. Điều ông nhấn mạnh là khi viết nhạc, nhất là phổ thơ, phải rung động từ con tim.
Ngoài ra, tùy loại nhạc tình yêu, hùng ca, tôn giáo, hoặc những thể loại khác, sẽ đưa đến những cảm xúc để viết bài nhạc thuộc cung truởng hay thứ để có giai điệu vui hay buồn, chuỗi của các quãng đi vào tâm thức người nghe khiến gây xúc động, đó là phần “hồn” của một ca khúc.
Bài thơ “Mưa” của Cao Nguyên hoàn toàn chinh phục khán giả qua giọng ngâm thơ theo điệu Quảng Trị, pha hò mái nhì Huế của nghệ sĩ Bích Thuận, và sau đó là với giọng hát của ca sĩ Hồng Tước.
Bà Thảo Nguyễn, cư dân Santa Ana, đến từ rất sớm, thích thú bởi dòng nhạc đêm nay. Ngồi thưởng thức cho đến cuối, bà cho biết khi nghe sự dẫn giải của nhạc sĩ Võ Tá Hân, bà mới hiểu vì sao mà trái tim mỗi người đều có cùng một nhịp đập, khi thưởng thức một bài nhạc phổ thơ.
“Quá là trau chuốt và có hồn, những bài nhạc đêm nay, nó bàng bạc giữa tính thơ và tính triết lý của hai tâm hồn, một thi sĩ và một nhạc sĩ, bây giờ cộng hưởng giữa ca sĩ và người nghe nữa, thật tuyệt vời,” bà Thảo khen ngợi.
Chị Phương Lan, từ Yorba Linda đến, cho biết, với chương trình thơ phổ nhạc đêm nay, được nghe nhạc sĩ Võ Tá Hân trình bày con đường của một bài nhạc phổ thơ, càng hiểu nhiều hơn và sự thưởng thức âm nhạc của mình càng chính xác hơn.
“Từ trước tới giờ tôi cứ nghĩ nhạc sĩ Võ Tá Hân chuyên sáng tác về nhạc Phật, hoặc thiền ca. Không ngờ đêm nay lại được nghe ông diễn giải và các ca sĩ trình bày một số bài nhạc phổ thơ của thi sĩ Cao Nguyên, tôi càng thích thú và phục người nhạc sĩ tài hoa này hơn,” Chị Phương Lan nói.
Trong phần trình bày, nhạc sĩ Võ Tá Hân nhận xét đến tính kỷ niệm của một bài nhạc thường gợi lại những hình ảnh, kỷ niệm xưa, do đó thính giả thường thích nghe nhạc xưa.
Trong phần hai, thính giả được nghe những nhạc phẩm “Thu,” “Tuyết Rơi,” “Một Giấc Mơ,” “Ở Niết Bàn,” đặc biệt bài “Trưa Bolsa,” theo điệu Slow Rock vui tươi nhí nhảnh, nói về một người tìm thấy người tình của mình, để tim vui rộn rã lên ngôi, để thấy đời tị nạn trong lòng phố Bolsa trưa nay thành bài thơ.
Với phần diễn ngâm của nghệ sĩ Bích Thuận, bài thơ “Mưa Đêm” khép lại chương trình trong sự lưu luyến theo đuổi của những ca từ và âm thanh, trong trời đêm Bolsa thanh vắng đầy sao.